Thác Dải Yếm (hay còn gọi là thác Nàng, thác Bản Vặt) xã Mường La, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La không chỉ được thiên nhiên ban tặng cảnh quan sinh thái tuyệt đẹp mà nơi đây còn gắn với những câu chuyện tình yêu lãng mạn.
Cao nguyên Mộc Châu là một cao nguyên rộng lớn, đẹp nhất vùng đất Tây Bắc. Những con đường uốn lượn quanh sườn núi với những lớp sương mù dày đặc khiến khung cảnh nơi đây vừa hùng vĩ, vừa hoang sơ, đẹp tới nao lòng.
Không những thế, Mộc Châu còn sở hữu ngọn thác tuyệt đẹp, làm xao xuyến lòng người mà đồng bào Thái bản địa thường gọi là “thác Bản Vặt”, “thác Nàng” hay “thác Dải Yếm”...
Nằm ở xã Mường La, cách trung tâm huyện Mộc Châu chừng 5km, ngọn thác này được xem là biểu tượng, là "viên ngọc quý" của cao nguyên Mộc Châu với khung cảnh thiên nhiên hữu tình.
Thác Dải Yếm nằm trên dòng suối Vặt, khởi nguồn từ hai khe nước Bó Co Lắm và Bó Ta Cháu ở bản Vặt - một bản làng của người Thái có lịch sử lâu đời. Suối Vặt chảy khoảng 5 km kết hợp với một dòng suối lớn bắt đầu từ bản Bó Sập (giáp biên giới Việt Nam - Lào) và tại nơi hợp lưu của hai con suối này, dòng nước gặp núi đá vôi chảy xuống tạo thành thác Dải Yếm hùng vĩ.
Không chỉ có cảnh quan sinh thái tuyệt đẹp được thiên nhiên ban tặng, thác Dải Yếm còn gắn liền với những câu chuyện tình yêu đầy lãng mạn. Theo bà con ở đây, thác Dải Yếm có nhiều sự tích khác nhau, trong đó, câu chuyện về mối tình của đôi trai gái người Thái cách đây 700 năm thường được kể nhiều hơn.
Chuyện rằng, xưa kia bên nước bạn Lào có giặc ngoại xâm. Với tình hữu nghị Việt Nam - Lào, những chàng trai của bản Vặt đã tình nguyện lên đường sang nước bạn để giúp đỡ. Khi đó, có một đôi trai gái người dân tộc Thái yêu nhau rất thắm thiết. Trước khi lên đường, chàng trai và người yêu đã chia tay nhau trên đỉnh dòng thác và có hứa hẹn rằng, anh đi đánh giặc trở về sẽ cưới em làm vợ...
Giặc tan, những chàng trai của bản Vặt trở về, riêng người yêu của cô gái thì không thấy đâu. Hàng ngày, cô cứ leo lên đỉnh dòng thác để chờ đợi. Đã có những chàng trai trong bản ngỏ ý dạm hỏi nhưng cô đều từ chối, nhất mực chung thủy với lời nguyện ước của hai người.
Một hôm, cô gái tắm ở dòng thác và chẳng may trơn trượt rơi xuống dưới. Dân làng đổ đi tìm nhưng không thấy, chỉ thấy một dải yếm của người con gái Thái vắt trên một cành cây. Dải yếm đó thêu tên của chàng trai và cô gái. Từ đó, dân bản đã gọi thác này là Dải Yếm để tượng trưng cho tình yêu sắt son của đôi trai gái...
Men theo con đường uốn lượn quanh co, chúng tôi chậm rãi tiến vào thác Dải Yếm. Sau khi vượt qua con đập tràn nhìn khá đẹp mắt, thác Dải Yếm hiện ra thật hùng vĩ và nên thơ. Dòng nước từ trên cao đổ xuống nhìn chẳng khác nào dải lụa trắng xóa, tạo nên những cụm hơi nước nghi ngút như sương mờ. Dưới chân thác, những cây cổ thụ to cả người ôm mọc trên những phiến đá mang nhiều hình dáng khác nhau càng làm cho cảnh sắc trở nên lung linh, huyền ảo.
Thác Dải Yếm cao hơn 100m và được chia thành hai phần. Thác phía trên rộng hơn 70m và có 9 tầng tượng trưng cho “9 bậc tình yêu” trong truyền thuyết. Thác phía dưới chỉ có 5 tầng và nằm cách đó khoảng 200m. Ngăn cách giữa hai phần thác là một bãi đất phẳng, thuận tiện cho việc tham quan, ngắm cảnh của du khách.
Theo người dân ở đây, thác Dải Yếm đẹp nhất là vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 10 vì lúc này mưa nhiều, lưu lượng nước đổ về lớn khiến cho dòng chảy càng mạnh. Leo thêm vài bậc nữa lên đỉnh thác, chúng ta sẽ càng choáng ngợp khi có cơ hội phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn bộ thảo nguyên mênh mông, núi rừng hùng vĩ điệp trùng.
Cùng với huyền tích tình yêu gắn với thác Dải Yếm, những âm thanh ngân vang giữa núi rừng của tiếng thác đổ ầm ào không chỉ mang đến cho du khách sự thích thú trước một khung cảnh vừa huyền bí vừa kỳ vĩ của đất trời mà còn là cảm giác sảng khoái khi được hòa mình vào những ngọn gió mang hơi nước mát lành.
Nguồn: VOV