Chúng tôi đã ước gì mình có nhiều thời gian hơn, để tiếp tục rong ruổi trên những con đường và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tất cả các nhà thờ tại Nam Ðịnh. Bởi thật khó để đi hết các huyện, đến từng xã chỉ trong một vài ngày mà vừa ngắm nhìn, vừa chụp ảnh, và tìm hiểu những câu chuyện thú vị về từng nhà thờ.

Nét độc đáo của vùng

Quang Ðảng, anh bạn người Nam Ðịnh khuyên chúng tôi nên đi xe máy nếu muốn vào tận các xã, các xóm, cũng để có thể ngắm nhìn các nhà thờ từ xa, ẩn hiện sau những mái nhà, chòm cây xanh. Còn việc tới Nghĩa Hưng, Hải Hậu hay Xuân Trường là tùy theo lịch trình của chúng tôi. Thực tế thì kế hoạch ban đầu của chúng tôi là sẽ tới hai huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu trước, trong đó Hải Hậu là điểm đến đầu tiên. Lý do không chỉ vì tại đây có nhà thờ đổ Hải Lý, một trong những địa chỉ "sống ảo" nổi tiếng của nhiều bạn trẻ mà còn vì Hải Hậu là nơi các thừa sai phương Tây đến truyền giáo đầu tiên vào thế kỷ 16.

Sử liệu Pháp ghi lại rằng, vào năm 1516 có một nhà hàng hải Bồ Ðào Nha tên là Phéc-nao Pê-rét đờ An-ra-đê (Fernao Perez de Andrade) đã đến tận bờ biển Việt Nam. Trong bộ Khâm định Việt sử Thông giám cương mục được Quốc sử quán triều Nguyễn soạn thảo dưới triều Tự Ðức cũng có nói đến chỉ dụ cấm đạo Công giáo (khi đó gọi là đạo Gia-tô, phiên âm từ chữ Giê-su trong tiếng Hán) chú thích như sau: "Gia-tô, dã lục, Lê Trang Tông, Nguyên Hòa nguyên niên, tam nguyệt nhật, Dương nhân I-nê-khu tiềm lai Nam Chân chi Ninh Cường, Quần Anh, Giao Thủy chi Trà Lũ âm dĩ Gia-tô tả đạo truyền giáo" (Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, quyển XXXIII, tờ 5-6). Dịch nghĩa là: "Ðạo Gia-tô, theo bút ký của tư nhân, tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông, có người Tây dương tên I-nê-khu, lén đến truyền đạo Gia-tô ở làng Ninh Cường và Quần Anh, huyện Nam Chân và làng Trà Lũ, huyện Giao Thủy".

Ðiều đáng nói ở đây là các làng nêu trên lần lượt thuộc ba huyện Trực Ninh, Hải Hậu và Xuân Trường của tỉnh Nam Ðịnh ngày nay. Mặc dù những chi tiết liên hệ tới I-nê-khu không còn được ghi nhớ, và do đó không ai biết rõ về tông tích, cũng như về công cuộc truyền đạo của vị thừa sai thứ nhất này, nhưng với dấu tích đầu tiên trong tài liệu sử chính thống, nhiều nhà sử học Công giáo Việt Nam đã chọn năm 1533 là năm khởi đầu cho đạo Công giáo tại Việt Nam.

Ðấy cũng là lý do giải thích tại sao Nam Ðịnh có nhiều nhà thờ Công giáo đến vậy và việc chúng tôi chọn Hải Hậu trước tiên không nằm ngoài suy nghĩ này. Chỉ mất khoảng 35 km từ TP Nam Ðịnh, chúng tôi đã đến được huyện ven biển nằm tiếp giáp với cả Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh và Nghĩa Hưng, rồi cứ thế theo con đường chính xuyên qua các xã. Và chúng tôi cũng chẳng cần phải hỏi thăm nhiều bởi trước mắt luôn xuất hiện những nhà thờ to nhỏ khác nhau, nằm gần bên đường có, sâu bên trong xóm có, nhờ các đặc điểm nổi bật như tháp chuông cao, mái vòm rộng, có mầu xám đặc trưng hay mầu vàng đầy vẻ cổ kính nổi bật từ đằng xa.

Ðược chiêm ngưỡng rất nhiều nhà thờ cùng với kiến trúc Gothic hay Baroque dễ gây một cảm giác nhàm chán vì sự na ná nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Bởi trong giáo phận Bùi Chu ở Nam Ðịnh có 13 giáo hạt, với 159 giáo xứ, 17 chuẩn xứ, 425 giáo họ, làm sao các nhà thờ, đền thánh có thể giống nhau được. Chỉ tính riêng tại Hải Hậu, mặc dù không thể đi hết các xã, thấy được hết các nhà thờ, đền thánh, chúng tôi vẫn bất ngờ, sững sờ về các nét kiến trúc, màu thời gian của những công trình thuộc Công giáo ở đây. Nổi bật nhất chắc chắn là giáo xứ đền thánh Quần Phương thuộc thị trấn Yên Ðịnh và nhà thờ Hưng Nghĩa thuộc xã Hải Hưng. Nếu đền thánh Quần Phương có gì đó gần gũi, quen thuộc với mọi người nhờ mầu sơn vàng nổi bật thì nhà thờ Hưng Nghĩa to lớn, tráng lệ như một lâu đài với nhiều chi tiết tinh xảo, cầu kỳ. Không phải vô cớ mà nhà thờ được giới trẻ gọi bằng cái tên "lâu đài băng giá" hay "Trường phù thủy và pháp sư Hogwarts" trong bộ truyện Harry Potter vì sự ma mị, lạnh lẽo của một khối kiến trúc mầu xám với nhiều cửa sổ, tháp cao.

Ngược lại, nhà thờ đổ Hải Lý hay tên gọi chính là nhà thờ họ Trái tim Chúa ở xã Hải Lý, huyện Hải Hậu lại có nét đẹp hoang sơ, đổ nát với những dấu tích ít ỏi còn sót lại như tháp chuông, nền móng và một phần tường sau khi bị nước biển xâm lấn và biến đổi khí hậu mà cụ thể là bão số 7 năm 2005 tác động. Ðiều ngạc nhiên là nhà thờ đổ này lại là một trong những địa điểm nổi tiếng nhất và được nhiều khách du lịch biết đến nhất mỗi khi tới Nam Ðịnh. Chúng tôi đã tự hỏi tại sao nhưng rồi thay vì đi tìm câu trả lời, chúng tôi cũng nghĩ rằng, sự nổi tiếng của nhà thờ đổ Hải Lý là lợi thế để huyện Hải Hậu cũng như tỉnh Nam Ðịnh phát triển du lịch, trong đó có tua tham quan các nhà thờ của địa phương.

Tiềm năng du lịch

Thường thì mỗi khi nói đến du lịch Nam Ðịnh, người ta sẽ nhắc tới du lịch tâm linh với nhiều địa điểm nổi tiếng như chùa Thánh Ân, đền Trần, chùa Phổ Minh, phủ Dầy, chùa Keo Hành Thiện, chùa Cổ Lễ, phủ Quảng Cung… Trong khi đó, có rất ít tua du lịch nhà thờ dù giáo phận Bùi Chu có đến 159 giáo xứ với hơn 400 nghìn giáo dân, đưa Nam Ðịnh trở thành một trong những xứ đạo lớn nhất nước. Hãy thử tưởng tượng có những địa phương chỉ có một vài nhà thờ, thậm chí không có như Sơn La, Ðiện Biên theo nhà báo Bùi Văn Nghiệp của Báo Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của khách du lịch thì tại sao một nơi như Nam Ðịnh có đến khoảng 600 nhà thờ lại không thể làm tốt hơn. Hay như tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu đã viết trong cuốn Ðô thị Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh - Khảo cổ học và bảo tồn di sản: "Nhà thờ không phải là một công trình nghệ thuật vị nghệ thuật, được xây dựng chỉ để mọi người chiêm ngưỡng mà trước tiên là ngôi nhà của cộng đồng ở một địa phương có một lịch sử nhất định và sự gắn bó giữa cộng đồng giáo xứ với ngôi nhà của chính mình, là cái hồn của loại kiến trúc được gọi là nhà thờ, ngôi nhà đã từng chứng kiến, ghi nhận - và còn hơn cả chứng kiến và ghi nhận - những buồn, vui, hy vọng, trông chờ kèm theo mỗi khoảnh khắc của cuộc sống, của cộng đồng và của từng tín hữu khi chào đời, lớn lên, trưởng thành và cả sau khi đã nhắm mắt xuôi tay… Nhà thờ là phần không nhỏ của ký ức nơi mỗi tín hữu Công giáo" nhưng "Mỗi công trình kiến trúc nhà thờ là kết tinh của nhiều lĩnh vực: kiến trúc, hội họa, điêu khắc… thể hiện óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của tiền nhân". Rồi "Mỗi nhà thờ là một tuyệt tác kiến trúc phương Tây độc đáo, được xây dựng tỉ mỉ công phu, quy hoạch trước sau khoa học, một sự kết hợp hài hòa giữa nhà thờ và cảnh quan… góp phần tạo nên diện mạo cho một vùng hay một thành phố".

Chính vì thế, tham quan một nhà thờ dù cũ hay mới được tu sửa lại thì đằng sau mỗi công trình luôn có lịch sử, câu chuyện gắn liền và chúng ta dù là người theo đạo hay ngoại đạo cũng nên tìm hiểu. Ðiều đó không chỉ mang lại kiến thức, sự hiểu biết mà còn giúp chúng ta trân trọng và có ý thức hơn trong việc bảo tồn hay trùng tu những công trình kiến trúc nhà thờ. Âu đó cũng là gìn giữ những giá trị vật chất và tinh thần cho giáo hội, cho một địa phương. Nói rộng ra, bảo tồn các công trình kiến trúc nhà thờ không chỉ là vấn đề của riêng giáo hội mà còn là bảo tồn di sản văn hóa của chúng ta.

Thế mới thấy, niềm đam mê chụp ảnh nhà thờ như nhà báo Bùi Văn Nghiệp thật đáng trân trọng. Hẳn ông không chụp hơn 1.000 nhà thờ chỉ để theo đuổi mục tiêu được hội đồng kỷ lục Việt Nam xác nhận là người chụp ảnh nhiều nhà thờ Công giáo nhất Việt Nam nếu không vì muốn lưu giữ những hình ảnh đẹp của các công trình kiến trúc này. Hay nói như tiến sĩ Tô-mô-ha-ru Ca-ta-nô của Nhật Bản từng đi khảo sát hơn 1.200 nhà thờ và dành bốn năm sau đó làm luận án tiến sĩ về 69 nhà thờ cổ Việt Nam, sự tồn tại như một quần thể với mật độ dày đặc của các nhà thờ ở Nam Ðịnh (cùng Ninh Bình và Thái Bình) mang lại giá trị cảnh quan văn hóa hết sức quý báu cho nơi đây. Các nhà thờ này nếu được quy hoạch để thiết kế tua du lịch chắc chắn sẽ hấp dẫn du khách. Và làm tốt điều này sẽ hỗ trợ tốt cho việc chúng ta bảo vệ di sản.

Ði mãi, đi mãi mà vẫn chưa xem hết các nhà thờ, đền thánh ở Hải Hậu, chúng tôi đành trở về TP Nam Ðịnh khi trời bắt đầu nhá nhem và khá tiếc là không kịp ghé qua Xuân Trường hay Nghĩa Hưng. Còn, còn rất nhiều nhà thờ nữa hẹn chúng tôi ngày trở lại, như đền thánh Kiên Lao, nhà thờ Phú Nhai, nhà thờ Trung Linh, giáo xứ Thánh Danh, giáo xứ Thủy Nhai… ở Xuân Trường, giáo họ Thánh Tâm, nhà thờ giáo xứ Vinh Phú, nhà thờ giáo xứ Nghĩa Dục, nhà thờ giáo xứ Ân Phú… ở Nghĩa Hưng hay thậm chí là ngay tại Hải Hậu. Dù chúng tôi không mơ ước có thể đi hết 63 tỉnh, thành phố trong nước như nhà báo Bùi Văn Nghiệp hay tiến sĩ Tô-mô-ha-ru Ca-ta-nô để thấy hết những công trình Công giáo đẹp thì trải nghiệm vừa qua ít nhất cũng đã làm tôi quên đi khung cảnh ấn tượng một thời in đậm trong tâm trí mình, về hình ảnh solo ghi-ta "cực đỉnh" bên ngoài một nhà thờ mầu trắng đơn độc giữa vùng đất trống rộng lớn chung quanh của Slash, cây ghi-ta của ban nhạc Guns N’ Roses trong bài November Rain, mà tôi đã nghĩ không đâu ấn tượng bằng... trước khi tôi đến Nam Ðịnh.

Bài và ảnh: Mạnh Hào

Nguồn: Báo Nhân dân